Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Đến với chương trình giới thiệu sách tháng 12 hôm nay, với chủ đề: “Chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12”. Như chúng ta đã biết, ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày hội Quốc phòng toàn dân - Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với Quân đội Việt Nam nói riêng và với toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung. Tên gọi “Quân đội nhân dân” do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.
Để chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) thư viện trường Tiểu học Đống Đa trân trọng giới thiệu cuốn sách “ Đời dũng cảm của Kim Đồng” của tác giả Đức Lân. Cuốn sách có 93 trang, được Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào tháng 10 năm 2001, in trên khổ giấy 13x19cm.
Mở đầu bài hát “Kim Đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác vào năm 1945 với bốn câu hát hào hùng:
Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít
Dấn bước ra đi, Kim Đồng lên chiến khu
Kim Đồng, quê hương Việt Bắc xa mù
Kim Đồng, thay cha rửa mối quốc thù…
Những lời ca hào hùng ấy chắc hẳn không xa lạ với mỗi thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta. Do hoàn cảnh lịch sử nên những tư liệu về cuộc đời Kim Đồng có những hạn chế. Thật may mắn, qua những đồng chí, đồng đội của Kim Đồng như: Đàm Minh Viễn, Bát Ngư, Lý Thị Nì, Nông Văn Thàn… ngày nay chúng ta mới có điều kiện hiểu hơn về gương hi sinh của anh.
Tên sách “ Đời dũng cảm của Kim Đồng” với dòng chữ màu đỏ hiện lên nổi bật trên trang bìa cuốn sách, kèm theo hình ảnh minh họa cậu bé Kim Đồng dưới nét vẽ của Trung Dũng. Nhìn vào đó bạn đọc có thể cảm nhận được sự nhanh nhẹn, thông minh của người thiếu niên anh dũng. Đến với nội dung cuốn sách, ở trang sách đầu tiên, tác giả đã trình bày khá chi tiết về quê hương và thân thế của Kim Đồng với những dức tính quý báu của anh. Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, ở thôn quê Nà Mạ xã Xuân Hòa (trước là xã Hòa Mục), huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng. Kim Đồng có ba anh chị em. Tác giả không kể ngay đến những chiến công, sự hi sinh anh dũng của anh mà bạn đọc sẽ được “chứng kiến” nó qua diễn biến của câu chuyện rất đỗi tự nhiên, qua từng câu văn sinh động, lôi cuốn.
Tác giả đã dành khá nhiều trang sách để kể về cuộc sống hàng ngày của Kim Đồng. Trước khi đến với cái tên Kim Đồng ấy, người thiếu niên anh hùng của chúng ta là cậu bé Dền trong sáng, ngây thơ. Dền cũng như bao đúa trẻ khác có những hành động, lời nói rất hồn nhiên. Nhưng sống trong thời kì chiến tranh, khi mà kẻ thù tàn ác, tuổi thơ của Dền đã phải tận mắt chứng kiến cảnh bố mình và bao nhiêu người làng bị đánh đập, bị lính bắt đi phu. Rồi đến khi bố Dền đi phu “chẳng bao giờ bố Dền về nữa”, Dền đã chứng kiến sự mất mát, đau khổ của mẹ. Và Dền bắt đầu tập làm người lớn để giúp đỡ mẹ, là “người đàn ông” trong gia đình cùng “gánh vác”việc nhà. Đọc truyện bạn đọc sẽ không khỏi bùi ngùi, xúc động trước những lời nói, những việc làm vẫn còn đậm nét trẻ con nhưng lại toát lên sự ngoan ngoãn, hiếu thảo rất đáng trân trọng của cậu bé Dền.
Cậu bé Dền đến với cách mạng cũng thật tự nhiên. Từ việc rình anh trai làm súng, tập rượt trên núi Dền cũng bắt chước làm theo. Đến khi biết anh mình ở trong đội tự vệ, có tên cách mạng là Cứu Quốc thì “Hai mắt Dền lóng lánh nhìn anh, thèm muốn, yêu quý”. Dền rất muốn được làm cách mạng dù biết nó rất nguy hiểm, gian nan. Đọc truyện, bạn đọc sẽ thấy tác giả rất nhiều lần nhắc đến niềm vui của Dền khi nói về cách mạng. Rồi cái ngày Dền mong mỏi ấy cũng đến. Dền được cử làm tổ trưởng hội nhi đồng cứu quốc ở khu đó và có tên cách mạng là Kim Đồng. Kim Đồng rất nhanh trí và hay có sáng kiến. Cậu bé muốn được làm công tác giao thông liên lạc. Bạn đọc sẽ bị cuốn hút bởi nhiều tình huống bất ngờ, nguy hiểm khi Kim Đồng đi làm nhiệm vụ. Mặc dù nguy hiểm là vậy, nhưng khi đọc truyện chúng ta không hề có cảm giác nặng nề khi nghĩ về công việc của Kim Đồng. Vì tác giả luôn làm hiện lên hình ảnh một cậu bé vui vẻ, tinh nhanh và gan dạ trên đường đi liên lạc. Có khi đi làm nhiệm vụ Kim Đồng còn “ mong cứ thử gặp thằng lính xem sao”. Một suy nghĩ thật hồn nhiên nhưng đầy sự dũng cảm, kiên cường. Nó như một lời đanh thép thách thức kẻ thù.
Trong một lần đi liên lạc về, Kim Đồng phát hiện bọn địch đang phục kích ngay cạnh nơi họp của Mặt trận Việt Minh. Ngay lập tức, Kim Đồng nhanh trí nghĩ cách đánh lừa để địch nổ súng về phía mình. Chính nhờ tiếng súng “báo động” ấy, các cán bộ của Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng thoát khỏi vòng vây nguy hiểm của địch. Kim Đồng còn ít tuổi, người bé nhưng trí rất lớn, không biết sợ khó khăn mệt nhọc, vượt bao nguy hiểm làm tròn nhiệm vụ.
Kim Đồng trung thành vô hạn với cách mạng, em đã hy sinh thân mình để cứu cán bộ, giữ lấy phong trào. Ý chí của Kim Đồng là ý chí bất khuất của một dân tộc Việt Nam bất khuất; Kim Đồng là thiếu nhi anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Chẳng những nhi đồng phải noi gương, mà tất cả chúng ta đều phải học tập. Để biết rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Kim Đồng, mời quý thầy cô và các em học sinh hãy đọc cuốn sách: “Đời dũng cảm của Kim Đồng” tại thư viện trường của mình nhé.
1. ĐỨC LÂN Đời dũng cảm của Kim Đồng/ Đức Lân.- TP.HCM: Trẻ, 2001.- 93tr.: hình ảnh; 19cm.. Chỉ số phân loại: 895.9223 DL.DD 2001 Số ĐKCB: TN.00605, TN.00606, |
Chương trình giới thiệu sách tháng 12 tới đây là hết, cảm ơn quý thầy cô cùng các em học sinh đã chú ý lắng nghe, chúc quý thầy cô cùng các em có tuần học tập vui vẻ, đạt được nhiều kết quả tốt. Xin trân trọng cảm ơn!